Anh Đặng Quang Đô – Cùng hội đồng hương vươn mình lên tầm cao mới

Ngày viết:
Đánh giá post

    Tôi – Đặng Quang Đô, sinh ra và lớn lên tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Vào một chiều thu tháng 9 năm 2013, lần đầu tiên tôi đặt chân đến thủ đô Hà Nội và trở thành tân sinh viên đại học Dược Hà Nội khóa 68. Điều mong ước của tôi cũng như gia đình trước khi ra Hà Nội là gặp được nhiều đồng hương để giúp mình vượt qua những khó khăn ban đầu trong cuộc sống tại thủ đô. Cầu được ước thấy, tôi đã gặp được rất nhiều đồng hương Nghệ Tĩnh tại lớp A3K68 và Ký túc xá trường Đại học Dược Hà Nội, cùng nhau trọ trẹ tiếng quê khiến tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn. Sau một thời gian chơi với nhau, có một chủ đề bắt đầu chiếm sóng phần lớn câu chuyện của chúng tôi, đó là “Mi có đi họp Hội đồng hương không?”, sau các buổi tán gẫu đó thì có đứa đi, có đứa không, nhưng đối với tôi đó là sự khởi đầu của một câu chuyện đẹp giữa tôi và Hội đồng hương Nghệ An trường Đại học Dược Hà Nội.

Ngày 20/11/2016, trên chuyến xe máy mà anh Nguyễn Công Thắng (bấy giờ là Hội trưởng) chở tôi đi chúc tết các thầy cô trong Hội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Thắng nói với tôi: “Đô, anh thấy em thích hợp làm Hội trưởng đó”. Vấn đề này anh ấy đã nói với tôi thoáng qua trước đó vài lần và đến lần này tôi nhận lời; đến sau này, anh Thắng tâm sự với tôi đó là quyết định đúng đắn của anh ấy. 

    Khi bắt đầu làm Hội trưởng, một loạt những vấn đề đang chờ đợi tôi đang ở phía trước và tôi cũng không ngờ cần nhiều sự cố gắng như thế để vượt qua. Đầu tiên, đó là vấn đề tài chính của Hội, sau Đậm đà Xứ Nghệ 2016, quỹ Hội chỉ còn lại vài trăm nghìn đồng để duy trì, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tổ chức các chương trình tiếp theo. Tiếp là vấn đề tập hợp sức mạnh tập thể để tổ chức chương trình; ngày đó mỗi khi tổ chức chương trình gì thì Hội trưởng cần đi mời các bạn hát hay, múa đẹp về tham gia cho chương trình thêm màu sắc; cần đi mời thầy cô, mời anh chị, mời các bạn sinh viên đến tham gia. 

    Đứng trước những khó khăn đó, tôi có nghe ngóng được tin các Hội sinh viên Nghệ Tĩnh tại các trường khác hoạt động mạnh lắm nên tôi cũng muốn tiếp cận học hỏi các Hội bạn để về triển khai tại Hội mình. Và Hội đầu tiên tôi chọn để giao lưu đó là Đội sinh viên tình nguyện Nghệ An trường đại học Y Hà Nội do 37HMU và 37HUP có mối quan hệ Y-Dược đặc thù, tiếp theo là Ban liên lạc sinh viên Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. Sau quá trình tham gia, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và muốn thành lập đội ngũ tinh nhuệ cho Hội để triển khai các hoạt động, nhưng vấn đề tiếp theo khiến tôi phân vân là nên thành lập Đội tình nguyện hay là Ban liên lạc. Sau khi nhận được nhiều góp ý thì tôi đã lựa chọn thành lập Ban liên lạc 37HUP vào ngày 19/4/2017 để phù hợp với mức độ hoạt động của Hội. 

    Đến hiện tại, khi nhớ lại những năm tháng đó, tôi rất vui khi đã có những người thầy, người anh, người chị, người bạn, người em đã luôn ủng hộ, động viên tôi bước tiếp để tôi đạt được mục tiêu kép là “Ra trường đúng hạn” và “Hoạt động ngoại khóa tốt”, đó sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên. 

    Kỷ niệm đầu tiên tôi muốn nhắc tới là việc thành lập các tổ chức nhỏ hơn của Hội (tiền thân của Ban liên lạc) với mục đích chính là kiếm thêm nguồn thu nhập cho quỹ Hội, từ đó giúp Hội độc lập về tài chính. Tổ chức đầu tiên là Trung tâm gia sư Hội đồng hương Nghệ An DKH, thành lập vào ngày 16/3/2017, bao gồm 20 bạn sinh viên, chia làm 2 nhóm hoạt động là Nhóm chuyên môn (Toán, Lý, Hóa) có nhiệm vụ lên mạng giải bài tập hộ cho học sinh để kéo tương tác về fanpage và Nhóm kinh doanh có nhiệm vụ đi phát tờ rơi cho phụ huynh vào các dịp họp phụ huynh tại các trường tại địa bàn Hà Nội, đồng thời phân phối lớp gia sư. Tổ chức thứ 2 là Cửa hàng 37HUP với các sản phẩm khi đó là làm hoa sáp phục vụ nhu cầu ngày 20/10, làm lẵng quả để tặng dịp 20/11. Rất may là cả 2 tổ chức này đều hoạt động có lời chứ không bị lỗ vốn.

Video kỉ niệm 2 tháng thành lập trung tâm gia sư

    Sau khi vấn đề tài chính Hội đã đỡ căng thẳng, tôi với anh em trong Ban liên lạc thực hiện kế hoạch làm áo Hội đồng hương. Với mẫu thiết kế chốt lần đầu tiên, tôi đã được mọi người trêu đùa là cho mọi người gia nhập đội quân Grab và tôi đã kịp quay xe đổi thành màu áo vàng Xứ Nghệ truyền thống với thiết kế đơn giản.

             Mẫu thiết kế chốt đầu tiên                                       Mẫu thiết kế chốt chính thức

    Vào đầu năm học 2017-2018, nhằm đáp ứng nhu cầu cần sách giao trình để học tập của sinh viên trong trường, Ngân hàng sách cũ 37HUP đã ra đời với mục đích cung cấp sách giáo trình cũ miễn phí cho các bạn sinh viên năm nhất và là kênh trung gian để các bạn sinh viên các khóa trao đổi sách cũ cho nhau. Có lần tôi tập hợp và để sách ở phòng ký túc xá, không may buổi tối vòi nước nhà vệ sinh bị hỏng nên nước chảy ra hết sàn nhà, khiến hôm sau tôi đã phải mang mấy chồng sách ra phòng tự học để phơi khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Lương Mạnh Hải trong phim Bỗng dưng muốn khóc.

   Poster ngân hàng sách 37HUP                                  ” Bỗng dưng muốn khóc”

    Trong các hoạt động vui chơi giải trí của Hội, ví dụ như giao hữu bóng đá, tôi tham gia với nhiều vai trò, vừa là huấn luyện viên, vừa là hoạt náo viên, vừa là thủ quỹ và cuối cùng là kiêm luôn cầu thủ dự bị khi đội thiếu người. Đồng thời trong quá trình giao lưu với các Hội đồng hương Nghệ Tĩnh khác, tôi cũng đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp về chương trình Mùa hè xanh 2017 tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An của Đội sinh viên tình nguyện Nghệ An trường Đại học Y Hà Nội, Đông ấm 2017 tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An của Ban liên lạc sinh viên Nghệ Tĩnh tại Hà Nội.

                Mùa hè xanh 2017                                                       Đông ấm 2017

     Khi còn trong trường đại học, tôi luôn nung nấu ý định khi ra trường đi làm học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế, trưởng thành hơn, quen được nhiều anh chị đã ra trường, sẽ cố gắng kết nối và về xây dựng Hội lớn mạnh hơn. Thấm thoắt, tôi đã ra trường được mấy năm và trong thời gian vừa rồi, tôi cũng đã phần nào thực hiện được các điều ước đó, như hỗ trợ ban hành Sổ tay 37HUP 2021, thành lập website huper37.com, góp ý cho các chương trình cụ thể của Hội cũng như Ban liên lạc. Tuy các em khóa mới vào bắt đầu gọi tôi bằng “Chú” thì tôi cũng đã nhận thấy sự nhiệt tình với Hội đã giảm nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp tục hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho Hội để các em giữ vững truyền thống của Hội là người đi sau rước người đi trước. Khi thực hiện được những điều đó, tôi rất vui vì đã được chơi, đã được làm việc với đúng con người của mình.

    Hiện nay, khi xã hội không ngừng thay đổi thì nhu cầu phát triển Hội cũng sẽ thay đổi theo. Tôi tiếc nuối khi một số chương trình không được duy trì do có nhiều yếu tố, như Ngân hàng sách 37HUP, Cửa hàng 37HUP, Xe tết Hội đồng hương, Xuân Nghệ trên đất Bắc nhưng tôi tin các em khóa mới của Ban liên lạc có thể vận hành Hội theo các cơ chế mới để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, góp phần xây dựng mô hình Hội đồng hương tích cực với những hoạt động sôi nổi, sẽ phần nào giúp các bạn sinh viên Nghệ An vơi bớt nỗi nhớ nhà và vững chân trên bước đường đi đến giảng đường.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ những kỷ niệm với Hội qua các hình ảnh khác!

Các hoạt động tham gia với hội, với các thầy

Anh Đô và các thành viên F1 của Ban Liên Lạc

Thử sức với vị trí Bầu Đô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây