Nhắc đến du lịch Nghệ An, du khách không thể không nhắc đến biển Cửa Lò – một trong những bãi biển đẹp nhất khu vực Bắc Trung bộ và đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Cửa Lò thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 16 km, cách Hà Nội hơn 300 km. Cửa Lò có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, hãy cùng Hội đồng hương Nghệ An trường Đại học Dược Hà Nội khám phá những địa điểm đẹp nức lòng người này nhé!
1.Bãi biển Cửa Lò
Bãi tắm Cửa Lò dài trên 10km, có độ dốc thoai thoải, cát trắng phẳng mịn, nước trong và sạch, không pha lẫn bùn như một số bãi biển khác. Phía trên bãi biển còn có nhiều khu lâm viên rộng với những rặng phi lao, rặng dừa xanh tốt. Nước biển ở đây có độ mặn rất cao. Vì thế, Cửa Lò là một trong những bãi tắm lý tưởng ở Việt Nam.
Nguồn hải sản ở đây rất phong phú, khoảng trên 200 loại cá, nhiều loại đặc sản như: tôm, mực, cua, rắn biển, cá mú… Đến với Cửa Lò, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ẩm thực mang hương sắc vùng biển Miền Trung này. Đó là các món:nước mắm hạ thổ, mọc cua bể, các món mực, cá giò 7 món, ghẹ hấp me, cháo nghêu, cháo lươn…Các món ăn đặc sản này du khách đều có thể thưởng thức ngay tại các nhà hàng và dân dã hơn nữa là ngay tại bãi biển. Lý thú nhất là món ăn mực nhảy (một loại mực ống, nhỏ như ngón tay, khi vớt lên bờ vì còn tươi nên trên lưng có những đốm nháy sáng màu tím), chưa có bãi biển du lịch nào có món ăn này, chỉ cách bờ khoảng 50 đến 100 m, du khách đi thuyền nan (có người điều khiển) sẽ được câu mực và nướng mực (hoặc hấp) ăn ngay sau vừa mới được câu lên. Nếu bạn là người yếu bóng vía, không ra khơi được với ngư dân thì chỉ việc ngồi trên bãi biển và đợi, thi thoảng sẽ có một chiếc thúng vào và bạn có thể đến xem mua những giã mực sim, hoặc tôm cá còn tươi rói, nhảy búng lách tách. Sau đó đưa vào những hàng quán hiếu khách và hấp lên là đã có thể đánh chén một bữa hải sản đáng nhớ.
2. Đảo Lan Châu
Đảo Lan Châu nằm ngay sát du lịch Cửa Lò, chia bãi tắm Cửa Lò thành hai khu vực riêng biệt. Những lúc triều dâng, toàn đảo dầm chân trong nước biển. Dưới chân núi, về phía đông nam có nhiều tảng đá lớn, hình thù kỳ lạ với nhiều tên gọi khác nhau. Trên đảo, năm 1936, vua Bảo Đại đã cho xây lâu đài để nghỉ dưỡng. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị xã Cửa Lò và được phóng tầm mắt nhìn ngắm biển khơi bao la. Tại đây có loài cúc biển đẹp lạ kỳ do chính vua Bảo Đại đem giống cây từ Pháp về.
3. Đảo Hòn Ngư
Cách bờ biển 4km là đảo Song Ngư như hai con cá khổng lồ che chắn bão to, gió lớn cho bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, đây là nơi sinh sống của các hệ động thực vật rất phong phú như: khỉ, dê hoang dã, chim… Xa xa, ngoài khơi chừng 20km là núi Quỳnh Nhai. Núi cao 218m, sâu 24m so với mặt biển. Quỳnh Nhai gồm Hòn Lớn và Hòn Con. Du khách có thể đến thăm viếng bằng du thuyền và trải nghiệm những hải sản tươi ngon nhất.
4. Chùa Phúc Lạc
Chùa Phúc Lạc nằm trong cụm di tích danh thắng tại Cửa Lò, thuộc xã Nghi Thạch và một phần xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Chùa được xây dựng từ lâu đời, là một di tích, danh thắng linh thiêng, nơi sinh hoạt tâm linh cho bà con phật tử trong vùng và khu vực từ nhiều đời nay. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương.
5. Đền Thờ Thái Bảo Đình Quận Công Nguyễn Hội & Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí
Khu đền chính có mặt bằng kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc”, phía trước Nghi môn là hồ bán nguyệt vừa tạo thế phong thủy cho đền, vừa có tác dụng điều hòa không khí tự nhiên. Các bộ phận kiến trúc được bố trí theo tôn ty, đăng đối, hài hòa, đó là những mẫu mực của hệ tư tưởng Nho giáo. Thứ ba là về kỹ thuật xây dựng, công trình đã được nâng cao hơn nhiều so với mức trung bình của các công trình đồng đại. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như ở Nghệ An, mỗi năm phải hứng chịu cả chục cơn bão lớn, vị trí công trình lại gần biển, vật liệu hoàn toàn truyền thống, thủ công, không có bê tông cốt thép làm lõi nhưng công trình vẫn vươn cao cùng trời xanh, đương đầu với tuế nguyệt chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người xưa đã đạt đến trình độ điêu luyện. Vì thế mà trải qua cả trăm năm, công trình vẫn đứng vững cùng trời đất, những màu sơn kẻ vẽ vẫn tươi nhuận cùng năm tháng.
Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc rất được chú trọng và tỷ mỹ đến từng chi tiết nhỏ. Các đề tài trang trí phong phú và đa dạng, về linh vật có: tứ linh, lưỡng long triều nguyệt, long ngư hí thủy, phượng hàm thư, phượng vũ, hổ phù, hổ, long mã phụ hà đồ, thần quy phụ lạc thư, rùa đội hạc, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa, dơi, cá chép, chim, chuột… Về cỏ cây hoa lá có: tứ quý, mai hóa long, trúc hóa long, dây leo hóa rồng, hoa thị, lựu, đào, nho, phật thủ, cúc, sen, lá đề… về người và bảo vật có: lính canh, bát tiên, bát bửu, lược, đàn, sáo, kiếm, quạt, dây thao, bầu rượu, túi thơ, văn triện… chủ yếu là thể hiện trên chất liệu vôi vữa và chạm khắc trên chất liệu gỗ.
6. Các hoạt động du lịch
Hàng năm, cứ đến ngày 1 tháng 5, ngày Quốc tế Lao động cũng là ngày mở lễ hội Sông nước Cửa Lò để khai trương mùa du lịch biển. Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như các trò chơi truyền thống, thi bơi thuyền rất sôi động và tiết mục bắn pháo hoa. Mùa du lịch kết thúc vào cuối tháng 9.
Qua đây, ta cũng thấy được Cửa Lò là một trong những địa điểm du lịch đắt khách nhất của xứ Nghệ, các bạn không nên bỏ lỡ khi tới Nghệ An nhé !