Chắc hẳn khi nhắc đến Xứ Nghệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến một vùng sơn thủy đẹp tựa tranh với đồi chè bát ngát xanh, hướng dương vàng sắc nắng, biển Cửa Lò cát trắng, Pù Mát rợp bóng cây .
Về du lịch Nghệ An mà không đến thăm Quê Bác (khu di tích Kim Liên) thì thật là một điều đáng tiếc vô cùng. Hãy cùng Hội đồng hương Nghệ An trường Đại học Dược Hà Nội khám phá vẻ đẹp cũng như giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất này nhé!
Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: BTHCM
1.Vài nét về Khu di tích Kim Liên
– Khu di tích Kim Liên tọa lạc tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 15km và trung tâm thị xã Cửa Lò khoảng 26 km.
– Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên gồm 3 cụm chính: Làng Sen – quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Làng Hoàng Trù – quê ngoại của Bác Hồ tại xã Kim Liên và phần mộ bà Hoàng Thị Loan Thân mẫu của Bác nằm trên núi Động Tranh thuộc xã Nam Giang, Nam Đàn.
– Đến Quê Bác thì có thể vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều nếu bạn kết hợp cùng chuyến du lịch Cửa Lò. Tháng 5 là thời điểm đẹp nhất bởi lúc này trời trong xanh, mây hiền hòa, các đầm sen nở rộ tỏa hương thơm ngào ngạt .
- Cụm di tích Làng sen .
Về quê nội của Bác chúng ta sẽ về làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Nơi đây bao gồm nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý ( thầy giáo khai tâm của Bác), Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Sân vận động làng Sen, Đền làng Sen, Đền Chung Sơn, Núi Chung, Đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài. Mái nhà bác từng sinh sống vẫn còn nguyên vẹn cùng các vật dụng như như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen… Những hiện vật dù đã cũ cùng năm tháng nhưng ẩn chứa trong mình giá trị lịch sử to lớn. Với chất giọng xứ Nghệ thân thương mà ấm áp của chị HDV thuyết minh tại điểm tham quan sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cuộc đời, gia đình Bác .
3 . Cụm di tích Làng Hoàng Trù .
Quê ngoại của Bác nằm tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Đầu tiên chúng ta sẽ ghé thăm ngôi nhà gia đinh bác sinh sống, là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác lúc còn nhỏ) cất tiếng khóc chào đời. Ngôi nhà gồm ba gian, mái lợp lá, xung quanh che phên. Tiếp đó là nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác Hồ): là nơi vun đắp tình cảm của ông ngoại, bà ngoại và gia đình dành cho Bác. Đây là ngôi nhà tranh, trước và sau che phên.Sau cùng là nhà thờ chi họ Hoàng Xuân: do ông Hoàng Xuân Đường (thân sinh của bà Hoàng Thị Loan) hưng công xây dựng vào năm 1882, với kết cấu chủ yếu bằng gỗ, mái lợp ngói. Nơi đây gắn với những câu chuyện thời ấu thơ xúc động, những bài học đầu đời của Bác.
4 . Cụm di tích mộ bà Hoàng Thị Loan
Khu mộ bà Hoàng Thị Loan: tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ của xã Nam Giang, huyện Nam Đàn . Khu mộ được ốp đá hoa cương, bên trên che mái dốc, phía trước sân dựng một tấm bia bằng đá đen, ghi lại tiểu sử và công lao của bà. Ngoài ra nơi đây còn có mộ cụ Hà Thị Hy (Bà nội của Bác): ốp đá granite nâu sẫm, sân lát đá đen, 4 cột quyết ở phía trước và sau gắn 4 búp sen sứ, màu đỏ thẫm, sát chân mộ đặt lư hương bằng đá hoa cương màu trắng, phía trên dựng bia đá màu đen. Cách Khu mộ bà Hoàng Thị Loan 100m còn có mộ cậu Nguyễn Sinh Xin (em trai út của Bác mất khi còn nhỏ. Đứng trên khu di tích nảy du khách có thể phóng mắt ra để ngắm một phần non nước xứ Nghệ bao trọn vào tầm mắt .
- Khu vực trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nằm trong khuôn viên Quê Nội, khu trưng bày được xây dựng từ 1970, là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử của Bác. Sau khi hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, việc trưng bày ở đây chuyển thành trưng bày bổ sung di tích với những giải pháp mỹ thuật sáng tạo nhằm tôn vinh các tài liệu, hiện vật, tạo được cảm xúc, hấp dẫn người xem. Toàn bộ phòng trưng bày tiểu sử của Bác trước đây được chuyển sang chủ đề hoàn toàn mới mẻ: tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế đối với Bác. Trong khuôn viên còn có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp bổ sung thêm cho khu di tích lịch sử Kim Liên hoàn thiện mô hình Di tích – Bảo tàng – Tưởng niệm, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.
- Những hoạt động lễ hội đặc sắc được tổ chức ở Quê Bác.
Hàng năm vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Bác (ngày 19/5), nhân dân từ khắp mọi miền đất nước lại về đây thăm quê hương Bác Hồ – Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người, và tham dự Lễ hội làng Sen quê Bác khai mở từ “Liên hoan tiếng hát làng Sen”. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau trình diễn những tiết mục đặc sắc.
Ngoài ra, những năm gần đây Nam Đàn triển khai trình diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (Di sản văn hóa phi thể của nhân loại) tại Khu di tích Kim Liên vào 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trong các dịp lễ lớn để phục vụ du khách về thăm Quê Bác.
Hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ ở trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về Khu di tích lịch sử Kim Liên .